Mục lục bài viết
Truyền thông nhóm về di cư an toàn và phòng ngừa di cư trái phép sang Úc bằng tàu thuyền tại Bình Thuận
Trong hai ngày 10 & 12/06/2020, với sự phối hợp của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận, các cán bộ truyền thông cơ sở đã tổ chức 04 buổi truyền thông nhóm về di cư an toàn và phòng ngừa di cư trái phép tại huyện Phú Quý và thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho 130 người dân của 4 xã/phường (Tam Thanh, Phước Lộc, Phước Hội và Tân Phước). Các buổi truyền thông tập trung trao đổi những lợi ích và thách thức của vấn đề di cư cũng như những rủi ro, hậu quả của việc di cư trái phép. Bên cạnh đó, các thông tin và thông điệp của Chiến dịch phòng chống di cư trái phép sang Úc bằng tàu thuyền cũng được chia sẻ rộng rãi tới người dân. Thông điệp chính của chiến dịch “Không cơ hội đối với người di cư trái phép” được nhấn mạnh nhằm xóa đi những tin đồn sai lệch về việc người di cư trái phép có thể ở lại sinh sống và làm việc tại Úc. Video Clip về câu chuyện có thực của những người di cư trái phép sang Úc bằng tàu thuyền bị buộc phải trở về nơi xuất phát đã được trình chiếu, các tài liệu truyền thông như tờ rơi hay sổ tay về các kênh di cư an toàn cũng được phát tận tay tới người tham gia trong các buổi truyền thông. Người dân địa phương đã tham gia và thảo luận tích cực tại các sự kiện này.
Đối thoại cộng đồng về di cư an toàn và phòng ngừa di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền tại Quảng Bình
Nhìn lại sự kiện! IOM đã phối hợp với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Cục XNC) và Phòng Xuất nhập cảnh công an Quảng Bình (XNC Quảng Bình) cùng sự có mặt của Ngân hàng Chính sách, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tổ chức thành công hai cuộc Đối thoại cộng đồng tại hai xã Bảo Ninh và Quang Phú, Quảng Bình. Hơn 200 người dân của hai xã đã được tiếp cận với thực tiễn hữu ích về di cư an toàn. Chủ đề chính bao gồm di cư an toàn, di cư trái phép, xây dựng kế hoạch di cư và các kỹ năng mềm cần có hay làm thế nào để tự bảo vệ bảo thân trong quá trình di cư. Người dân đã tham gia nhiệt tình và đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề về thủ tục xuất nhập cảnh hay thị thực (visa). Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện của chiến dịch truyền thông cộng đồng tại Quảng Bình về phòng ngừa người dân lựa chọn con đường di cư trái phép đầy hiểm nguy trên biển.
Tập huấn kỹ năng truyền thông về phòng ngừa di cư trái phép cho cán bộ truyền thông tại Bình Thuận
Bình Thuận, ngày 10-11/4/2019 – Trao quyền cho cộng đồng là một phần quan trọng trong với việc khuyến khích di cư an toàn và hợp pháp. Trong hai ngày của khóa tập huấn truyền thông, 34 cán bộ truyền thông nòng cốt của hai tỉnh Bình Thuận và Bà-Rịa Vũng-Tàu đã được hướng dẫn và thực hành cách thức phòng ngừa di cư trái phép qua các hình thức tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, các hoạt động truyền thông khác nhau và đối thoại cộng đồng. Các cán bộ truyền thông nòng cốt sẽ áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế công việc và trực tiếp chia sẻ với cộng đồng tại buổi đối thoại cộng đồng và đêm truyền thông về di cư an toàn và phòng ngừa di cư trái phép trong hai ngày 23-24/4/2019 với sự hỗ trợ của IOM và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận.
Trưởng văn phòng IOM Tp Hồ Chí Minh tham gia tập huấn về di cư cho cán bộ Việt Nam
Ngày 18 tháng 10 năm 2016, Trưởng Văn phòng IOM TP Hồ Chí Minh, ông Mark Brown, đã tham gia tập huấn cho 22 cán bộ hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập cảnh của Việt Nam trong Chương trình Quản lý dành cho các Cơ quan Kiểm soát biên giới lần thứ 16 (BCAMP 16) do Bộ Di trú và Bảo vệ Biên giới Úc phối hợp với Bộ Công an Việt Nam và Đại học Quốc tế RMIT tổ chức.
Phần trình bày của ông Brown nhận được những phản hồi vô cùng tích cực từ các học viên vì đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về các xu hướng di cư trên thế giới và tính thiết thực của những kiến thức này đối với công việc của họ.
BCAMP là một chương trình đào tạo độc đáo và sáng tạo hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lí và tham gia vào những thay đổi xoay quanh các vấn đề cốt yếu về di cư và hoạt động di chuyển của con người, dành cho cán bộ quản lí cấp trung trong lĩnh vực quản lí di cư và xuất nhập cảnh.
Từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2016, đến nay BCAMP đã đào tạo thành công cho hơn 300 cán bộ trong khu vực Đông Nam Á.
Thúc đẩy các chính sách di cư thân thiện với phát triển tại Việt Nam thông qua tăng cường cơ sở bằng chứng cho chính sách
Thời gian: từ 1 tháng 10 năm 2013 đến 30 tháng 9 năm 2016
Địa điểm: Việt Nam
Nguồn tài trợ / tài trợ: Quỹ Phát triển IOM
Đối tác thực hiện: Bộ Ngoại giao Việt Nam
Mục tiêu / Mô tả tóm tắt dự án: Dự án nhằm thúc đẩy phát triển chính sách di cư thân thiện và nhất quán tại Việt Nam và tập trung vào việc tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ có trách nhiệm.
Trong những năm gần đây, hồ sơ di cư (MP) đã nổi lên như một công cụ thiết thực trong việc thúc đẩy quá trình giải quyết nhu cầu về một cách tiếp cận có hệ thống hơn, được điều phối một cách có cấu trúc và chặt chẽ đối với di cư và việc xây dựng chính sách và chương trình.
Dự án áp dụng cách tiếp cận đối với việc xây dựng báo cáo quốc gia về di cư thông qua xây dựng cơ chế tham vấn giứa các cơ quan chính phủ thích hợp về thu thập dữ liệu, và soạn thảo báo cáo này.
Một số hội thảo về các vấn đề chính sách di cư nổi trội sẽ được tiến hành để giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn với những thách thức trong tương lai và tăng cường kế hoạch hóa chính sách chiến lược và nhất quán về di cư trong chính phủ.